MÔ HÌNH KINH DOANH LÀ GÌ? 10+ MÔ HÌNH KINH DOANH PHỔ BIẾN

Thuật ngữ mô hình kinh doanh đề cập đến kế hoạch kiếm lợi nhuận của một doanh nghiệp. Nó xác định các sản phẩm/ dịch vụ mà doanh nghiệp dự định bán, thị trường mục tiêu đã xác định và các chi phí dự kiến. Mô hình kinh doanh rất quan trọng đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, dù lớn hay nhỏ.

Mô hình kinh doanh là gì?

Mô hình kinh doanh là cách thức tổ chức, hoạt động một doanh nghiệp để tạo ra giá trị và kiếm lợi nhuận. Nó mô tả cách mà doanh nghiệp xây dựng, triển khai và quản lý các hoạt động kinh doanh của mình, như việc xác định sản phẩm/ dịch vụ mà họ bán, thị trường mục tiêu hay các khoản chi phí dự kiến, nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng và thị trường.

Mô hình kinh doanh rất quan trọng đối với doanh nghiệp, bất kể doanh nghiệp hoạt động với quy mô nào. Nó giúp cho các doanh nghiệp mới thu hút đầu tư, tạo động lực làm việc cho đội ngũ nhân viên. Riêng với những doanh nghiệp đã thành lập lâu đời, thì mô hình này lại giúp họ dự đoán được xu hướng, thách thức của cả hiện tại và tương lai.

mô hình kinh doanh là gì
Mô hình kinh doanh (Business Model) là cách thức một tổ chức tạo ra, cung cấp và thu về giá trị

Tầm quan trọng của mô hình kinh doanh

Mô hình kinh doanh giúp định hướng chiến lược phát triển của một doanh nghiệp ở cả hiện tại và tương lai. Mô hình kinh doanh lý tưởng nhất là không dễ dàng bị sao chép, tức là nó phải độc đáo, sáng tạo trên thị trường. Đây cũng là lý do mà các nhà quản trị luôn trăn trở khi xây dựng mô hình kinh doanh. Tầm quan trọng của mô hình kinh doanh phải kể đến như:

Xác định mục tiêu, chiến lược kinh doanh

Một mô hình kinh doanh hiệu quả là công cụ hỗ trợ doanh nghiệp xác định mục tiêu và chiến lược kinh doanh của mình rõ ràng. Chẳng hạn như mục tiêu liên quan đến tăng trưởng doanh thu, mở rộng thị trường, phát triển sản phẩm mới hoặc thúc đẩy sự phát triển bền vững. Chiến lược kinh doanh là cách thức mà doanh nghiệp lựa chọn thực hiện để đạt được mục tiêu kinh doanh đó. Một mô hình kinh doanh hiệu quả giúp doanh nghiệp tập trung nguồn lực, nỗ lực vào các hoạt động cần thiết nhằm đạt mục tiêu kinh doanh.

Đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh

Mô hình kinh doanh là một công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình. Bằng cách phân tích mô hình kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp xác định những ưu điểm, nhược điểm, cơ hội và thách thức đối với hoạt động kinh doanh. Từ đó có thể đưa ra những điều chỉnh nhằm cải thiện hoạt động, đạt được thành công bền vững.

Thu hút và giữ chân khách hàng

Một mô hình kinh doanh tốt sẽ đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, mang lại cho họ giá trị vượt trội so với các đối thủ cạnh tranh. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp thu hút khách hàng mới và khiến họ quay trở lại mua hàng trong tương lai.

Cạnh tranh trên thị trường

Mô hình kinh doanh giúp doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ. Lợi thế cạnh tranh có thể là về giá cả, chất lượng sản phẩm/dịch vụ, hoặc trải nghiệm khách hàng. Mô hình kinh doanh cũng giúp doanh nghiệp hiểu rõ điểm mạnh và điểm yếu của mình, cũng như điểm mạnh và điểm yếu của thị trường. Từ đó, có thể phát triển chiến lược cạnh tranh hiệu quả để giành lợi thế trên thị trường.

Song đó, mô hình kinh doanh còn giúp doanh nghiệp linh hoạt thích ứng với những thay đổi của thị trường. Khi thị trường thay đổi, doanh nghiệp có thể điều chỉnh mô hình kinh doanh của mình để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thị trường.

tầm quan trọng của mô hình kinh doanh
Việc xây dựng mô hình kinh doanh giúp doanh nghiệp xác định mục tiêu và chiến lược rõ ràng

Thành phần chính trong mô hình kinh doanh

  • Sản phẩm/ dịch vụ: Đây là yếu tố cốt lõi của một mô hình kinh doanh. Sản phẩm/ dịch vụ cung cấp giá trị cho khách hàng và tạo ra doanh thu.

  • Khách hàng: Mô hình kinh doanh phải xác định rõ đối tượng khách hàng mục tiêu. Điều này giúp doanh nghiệp tập trung vào việc phát triển và tiếp cận với khách hàng một cách hiệu quả.

  • Kênh phân phối: Đây là các phương thức doanh nghiệp sử dụng để đưa sản phẩm/ dịch vụ đến khách hàng. Các kênh phân phối có thể bao gồm cửa hàng bán lẻ, trang web, ứng dụng di động, đại lý, đối tác kinh doanh,...

  • Cạnh tranh: Một mô hình kinh doanh cần phân tích và hiểu rõ về thị trường cạnh tranh. Từ đó giúp doanh nghiệp đưa ra các chiến lược cạnh tranh phù hợp để tạo ra lợi thế so với đối thủ.

  • Cấu trúc chi phí: Mô hình kinh doanh cần xác định chi phí liên quan đến việc sản xuất sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ. Nhằm giúp doanh nghiệp quản lý tài chính và định giá sản phẩm một cách hợp lý.

  • Doanh thu: Xác định các nguồn doanh thu tiềm năng và phương thức thu hút khách hàng để tạo ra doanh thu. Các nguồn doanh thu có thể bao gồm doanh số bán hàng, thuê bao, quảng cáo, dịch vụ gia hạn, hoa hồng,...

  • Đối tác và nguồn lực: Một số mô hình kinh doanh có thể phụ thuộc vào việc thiết lập mối quan hệ với các đối tác và tận dụng các nguồn lực bên ngoài để đạt được mục tiêu kinh doanh.

thành phần của mô hình kinh doanh
Thành phần chính trong mô hình kinh doanh bao gồm: khách hàng mục tiêu, giá trị cung cấp, kênh phân phối, nguồn doanh thu, đối tác, nguồn lực và chi phí

Quy trình 5 bước xây dựng mô hình kinh doanh

Bước 1: Khảo sát nhu cầu khách hàng 

Bước khảo sát nhu cầu khách hàng để nghiên cứu và hiểu rõ nhu cầu của khách hàng rất quan trọng trong quá trình xây dựng mô hình kinh doanh. Bởi mục tiêu của doanh nghiệp là tạo ra sản phẩm/ dịch vụ mà khách hàng sẽ mua và sử dụng. Để thành công, doanh nghiệp cần xác định rõ ràng nhu cầu của khách hàng, nhóm khách hàng mà sản phẩm của họ hướng đến và phải tìm cách thu hút sự quan tâm của khách hàng đối với sản phẩm của mình.

Khi doanh nghiệp có khả năng trả lời đầy đủ những câu hỏi trên, đồng nghĩa với việc đã xác định được đối tượng khách hàng mục tiêu mà họ muốn phục vụ. Khi đã có cái nhìn rõ ràng về khách hàng cụ thể, các bước tiếp theo trong việc lên ý tưởng và phát triển phương hướng kinh doanh sẽ trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.

Bước 2: Lên ý tưởng kinh doanh

Sau khi đã hiểu rõ về nhóm khách hàng mục tiêu, tiếp theo doanh nghiệp sẽ tập trung vào việc tạo ra giá trị cho khách hàng. Tức là doanh nghiệp phải phát triển sản phẩm/ dịch vụ giải quyết các vấn đề mà khách hàng đang gặp phải. Mục tiêu này là điểm cốt lõi của hoạt động kinh doanh và mang lại doanh thu, đảm bảo sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Để đáp ứng mong muốn và mang lại sự hài lòng cho khách hàng, ý tưởng kinh doanh phải phù hợp và đáp ứng các tiêu chí về giá cả, chất lượng và thiết kế. Ngoài ra, doanh nghiệp cần liên tục sáng tạo và đổi mới để không bị tụt lại trong thời đại đang không ngừng thay đổi hiện nay.

Bước 3: Hoạch định chi phí sản xuất và phân phối

Hoạch định chi phí sản xuất và phân phối là lúc doanh nghiệp phải có chiến lược giá, bán với giá cả thế nào để không bị lỗ, quản lý chi phí phát sinh như thế nào. Đây là bài toán kinh doanh mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải có kế hoạch giải quyết bài bản, đảm bảo mô hình kinh doanh đạt được mục tiêu lợi nhuận.

Để giải quyết vấn đề này, doanh nghiệp cần tìm kiếm những nguồn cung cấp nguyên vật liệu chất lượng với giá cả phải chăng. Đồng thời, cần luôn kiểm soát quy trình sản xuất để đảm bảo tối ưu hóa chi phí. Xây dựng đội ngũ nhân sự nòng cốt có trách nhiệm và chuyên môn cũng, nhằm đảm bảo quá trình sản xuất diễn ra hiệu quả.

Ngoài việc tính toán chi phí sản xuất, các chi phí khác liên quan đến hoạt động tiếp thị và bán hàng cũng đóng vai trò quan trọng trong thành công kinh doanh. Mỗi kênh phân phối có đặc điểm riêng, và việc xây dựng chiến lược marketing phù hợp cho từng kênh là yếu tố không thể thiếu. Điều này giúp tránh tình trạng phát sinh các chi phí không cần thiết và giảm thiểu rủi ro thua lỗ trong kinh doanh.

Bước 4: Xây dựng chiến lược Marketing

Để đảm bảo rằng sản phẩm của doanh nghiệp được tiếp cận rộng rãi trên thị trường, việc xây dựng chiến lược Marketing là không thể thiếu. Để tăng hiệu quả tiếp cận thị trường, việc kết hợp nhiều chiến dịch quảng cáo đồng thời có thể hữu ích. Tuy nhiên, sau mỗi chiến dịch, doanh nghiệp cần xem xét đánh giá, phản hồi và ý kiến của khách hàng để điều chỉnh và cải thiện chiến lược tiếp thị theo hướng phù hợp hơn.

Các chiến lược này có thể bao gồm nhưng không giới hạn việc sử dụng phương tiện truyền thông truyền thống, mạng xã hội, tham gia triển lãm sản phẩm, tổ chức hội chợ, cũng như thiết lập các chương trình khuyến mãi và tặng quà.

Bước 5: Hoàn thiện mô hình kinh doanh

Sau khi đã hoàn thành việc phân tích các bước đã được đề cập trước đó, tiếp theo doanh nghiệp sẽ hoàn thiện mô hình kinh doanh của mình. Trong quá trình triển khai, không thể tránh khỏi xuất hiện những vấn đề mà doanh nghiệp không thể lường trước. Tuy nhiên, không cần quá lo lắng, quan trọng là chuẩn bị tâm thế để chấp nhận những thay đổi và thích ứng với chúng.

quy trình xây dựng mô hình kinh doanh
Cần lên ý tưởng và khảo sát nhu cầu khách hàng khi xây dựng mô hình kinh doanh

Top các mô hình kinh doanh phổ biến hiện nay

Mô hình B2B (Business to Business)

Mô hình này là mối quan hệ kinh doanh giữa các doanh nghiệp với nhau, chẳng hạn như giữa nhà sản xuất và nhà bán buôn, giữa nhà bán sỉ và bán lẻ. Trong mô hình B2B, sản phẩm/ dịch vụ được bán cho các công ty, tổ chức khác thay vì bán cho người tiêu dùng cuối cùng. Các doanh nghiệp tham gia vào mô hình B2B có thể thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như sản xuất, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ, công nghệ,...

Mô hình B2C (Business to Consumer)

B2C (Business to Consumer) là mô hình kinh doanh trong đó các doanh nghiệp bán sản phẩm/ dịch vụ trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng. Mô hình này thường được thực hiện thông qua các cửa hàng bán lẻ, kênh trực tuyến như website, ứng dụng di động, hoặc các sàn thương mại điện tử.

Mô hình C2C (Consumer to Consumer)

Mô hình này là mối quan hệ kinh doanh giữa người tiêu dùng với nhau. Người tiêu dùng bán sản phẩm/ dịch vụ cho người tiêu dùng khác. Ví dụ: các sàn thương mại điện tử C2C như Shopee, Lazada, các chợ online, các nhóm mua bán trên mạng xã hội.

Mô hình Agency

Mô hình kinh doanh Agency dựa trên việc cung cấp các dịch vụ Marketing, truyền thông, quảng cáo cho các doanh nghiệp, tổ chức. Các Agency cung cấp các giải pháp Marketing toàn diện hoặc chuyên sâu cho khách hàng

Mô hình nhượng quyền thương hiệu (Franchise)

Mô hình này là việc một doanh nghiệp (chủ thương hiệu) cho phép một cá nhân hoặc tổ chức khác (đối tác nhượng quyền) sử dụng thương hiệu, mô hình kinh doanh, bí quyết kinh doanh của mình để kinh doanh. Ví dụ: các cửa hàng cà phê như Milano, KFC, Mcdonald's, Pizza Hut, Lotteria,...

Mô hình kinh doanh đa thương hiệu

Mô hình kinh doanh đa thương hiệu trong đó một công ty sở hữu và quản lý nhiều thương hiệu khác nhau. Mỗi thương hiệu có đặc trưng riêng về danh mục sản phẩm, giá trị cốt lõi và đối tượng mục tiêu.

Mô hình đa thương hiệu có một số ưu điểm như:

  • Đa dạng hóa hoạt động kinh doanh: Mô hình này giúp doanh nghiệp đa dạng hóa danh mục sản phẩm và dịch vụ, từ đó tiếp cận được nhiều phân khúc khách hàng hơn.
  • Phân tán rủi ro tài chính: Khi kinh doanh đa thương hiệu, một trong cách thương hiệu gặp khó khăn, các thương hiệu khác vẫn tiếp tục hoạt động và đóng góp vào doanh thu tổng thể của doanh nghiệp.
  • Tận dụng hiệu ứng cộng hưởng: Các thương hiệu trong cùng một danh mục có thể tận dụng hiệu ứng cộng hưởng từ nhau, chẳng hạn như chia sẻ nguồn lực, cơ sở hạ tầng và nhận thức thương hiệu.

Mô hình kinh doanh freemium

Mô hình này cung cấp một phiên bản miễn phí của sản phẩm/ dịch vụ có tính năng hạn chế, và thu phí cho phiên bản có tính năng đầy đủ hơn. Điều này sẽ khiến người dùng cảm thấy thiếu sót và mong muốn nâng cấp lên phiên bản cao cấp để có được trải nghiệm tốt hơn. Ví dụ như Spotify, Canva,...

Mô hình kinh doanh đăng ký

Đây là một mô hình kinh doanh trong đó khách hàng trả một khoản phí định kỳ để có quyền truy cập vào một sản phẩm/ dịch vụ. Người dùng không cần phải mua sản phẩm/ dịch vụ mỗi lần, mà có thể sử dụng sản phẩm/ dịch vụ đó trong một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ như Adobe Creative Cloud, Netflix,...

Mô hình kinh doanh 1 đổi 1 (One-for-One)

Mô hình kinh doanh 1 đổi 1 kết hợp giữa lợi nhuận và phi lợi nhuận. Trong mô hình này, doanh nghiệp cam kết tặng hoặc quyên góp một sản phẩm, dịch vụ hoặc giá trị tương đương cho một người cần thiết cho mỗi sản phẩm, dịch vụ hoặc giá trị được bán.

Mô hình kinh doanh 1 đổi 1 được xây dựng dựa trên nguyên tắc "mua một tặng một". Khi khách hàng mua một sản phẩm/ dịch vụ của doanh nghiệp, doanh nghiệp sẽ tặng hoặc quyên góp một sản phẩm/ dịch vụ tương đương cho một người cần thiết. Người cần thiết có thể là trẻ em nghèo, người khuyết tật, người già neo đơn, người gặp nạn,...

Mô hình kinh doanh lưu động

Mô hình kinh doanh lưu động là hình thức kinh doanh không có địa điểm cố định, mà sử dụng các phương tiện di chuyển như xe đẩy, xe máy, xe tải,... để phục vụ khách hàng. Mô hình này có thể áp dụng cho nhiều loại hình kinh doanh khác nhau như đồ ăn nhanh, nước uống, quần áo, sửa chữa điện thoại, cắt tóc, massage,...

Mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng

Đây là một mô hình kinh doanh trong đó một doanh nghiệp cung cấp một nền tảng cho phép hai hoặc nhiều nhóm người dùng tương tác với nhau để tạo ra giá trị. Nền tảng này có thể là một trang web, một ứng dụng, hoặc một hệ thống khác.

Ví dụ:

  • Amazon: Kết nối người bán và người mua
  • Facebook: Kết nối người dùng với nhau
  • eBay: Kết nối người mua và người bán
  • Google: Kết nối người dùng với nhau, các nhà cung cấp nội dung và các nhà quảng cáo
  • Airbnb: Kết nối người cho thuê và người thuê
  • Grab: Kết nối người lái xe và người đi xe

Mô hình kinh doanh thị trường thương mại điện tử

Thị trường thương mại điện tử là một nơi hấp dẫn mà hầu hết các doanh nghiệp hiện nay đang tận dụng. Nhu cầu và hành vi của người dùng hiện đại cũng đang thay đổi, với xu hướng ngày càng tăng cao của việc mua hàng trực tuyến. Một ví dụ điển hình là Shopee, Lazada và Tiki, mỗi tháng có đến hàng triệu lượt truy cập và chi tiêu.

Mô hình kinh doanh Razor blades

Mô hình kinh doanh Razor blades là một mô hình kinh doanh trong đó một mặt hàng được bán với giá thấp (hoặc thậm chí được tặng miễn phí) để tăng doanh số của hàng hóa bổ sung, chẳng hạn như vật tư tiêu hao. Ví dụ: máy in cần có hộp mực, hay bảng điều khiển trò chơi yêu cầu phụ kiện và phần mềm.

Mô hình kinh doanh chuỗi cung ứng tích hợp theo chiều dọc

Mô hình kinh doanh chuỗi cung ứng tích hợp theo chiều dọc là một chiến lược kinh doanh trong đó một công ty sở hữu hoặc kiểm soát nhiều giai đoạn trong chuỗi cung ứng của mình, từ đầu vào đến đầu ra. Chiến lược này có thể bao gồm việc mua lại các nhà cung cấp, nhà phân phối, hoặc cả hai.

Mô hình kinh doanh ẩn doanh thu

Đây là mô hình kinh doanh mà người dùng cuối không phải trả tiền trực tiếp cho sản phẩm/ dịch vụ mà họ sử dụng. Thay vào đó, doanh nghiệp kiếm tiền từ các bên thứ ba, chẳng hạn như các nhà quảng cáo hoặc các doanh nghiệp khác.

Nguyên tắc hoạt động của mô hình kinh doanh ẩn doanh thu rất đơn giản: doanh nghiệp cung cấp sản phẩm/ dịch vụ miễn phí cho người dùng, nhưng đồng thời họ cũng thu thập dữ liệu hoặc thông tin về người dùng đó. Dữ liệu hoặc thông tin này sau đó được bán cho các bên thứ ba, những người sử dụng nó để tiếp thị sản phẩm/ dịch vụ của họ.

các mô hình kinh doanh phổ biến
Các mô hình kinh doanh phổ biến bao gồm B2B, B2C, C2C, Freemium, Subscription,...

Các mô hình kinh doanh tiềm năng trong tương lai

Mô hình kinh doanh nền tảng

Trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ ngày càng dựa vào mô hình nền tảng, nơi họ kết nối các nhóm khách hàng và nhà cung cấp để tạo ra giá trị. Các nền tảng như Amazon, Airbnb hay Uber là ví dụ tiêu biểu, nhưng xu hướng này sẽ mở rộng sang các ngành mới như giáo dục, y tế, và năng lượng. Mô hình này giúp giảm chi phí vận hành, tận dụng tối đa công nghệ và tạo ra mạng lưới người dùng khổng lồ với giá trị cộng hưởng.

Mô hình kinh doanh tuần hoàn

Hướng tới phát triển bền vững, các doanh nghiệp sẽ tập trung vào việc tái sử dụng, tái chế và giảm thiểu lãng phí tài nguyên. Ví dụ, các công ty như Patagonia hay IKEA đã triển khai chương trình tái chế sản phẩm cũ, giúp giảm thiểu tác động môi trường và thu hút người tiêu dùng có ý thức về môi trường. Đây sẽ là xu hướng tất yếu để đáp ứng nhu cầu bền vững trong dài hạn.

Mô hình kinh doanh dựa trên dữ liệu (Data-Driven Business Model)

Dữ liệu ngày càng trở thành "vàng" trong thế kỷ 21, và các doanh nghiệp khai thác tối đa dữ liệu để hiểu sâu hơn về khách hàng, dự đoán xu hướng và cá nhân hóa sản phẩm/dịch vụ. Những công ty áp dụng mô hình này sẽ tập trung vào công nghệ AI, phân tích dữ liệu lớn (Big Data) và IoT để gia tăng giá trị và hiệu quả trong mọi khía cạnh vận hành.

Mô hình kinh doanh chia sẻ (Sharing Economy)

Với sự phát triển của công nghệ, các mô hình kinh doanh dựa trên chia sẻ tài nguyên sẽ tiếp tục bùng nổ. Từ chia sẻ xe hơi (Car Sharing) đến không gian làm việc (Coworking Spaces), xu hướng này giúp giảm chi phí cho người tiêu dùng, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và tạo cơ hội thu nhập cho nhiều người tham gia.

Mô hình kinh doanh cá nhân hóa

Khách hàng ngày càng mong muốn các sản phẩm và dịch vụ được thiết kế riêng theo nhu cầu cá nhân. Các công ty sử dụng công nghệ AI và dữ liệu để tùy chỉnh sản phẩm, từ dịch vụ trực tuyến đến hàng hóa vật lý, sẽ tạo lợi thế cạnh tranh lớn trong thị trường ngày càng khắt khe.

Mô hình kinh doanh dựa trên tác động xã hội

Các doanh nghiệp không chỉ tập trung vào lợi nhuận mà còn đặt mục tiêu tạo ra tác động tích cực cho xã hội. Mô hình này hướng đến giải quyết các vấn đề lớn như biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, và giáo dục. Ví dụ, các doanh nghiệp xã hội như TOMS Shoes với chương trình “One for One” sẽ trở thành hình mẫu cho nhiều công ty khác.

các mô hình kinh doanh tiềm năng
Các mô hình kinh doanh tuần hoàn đang được các doanh nghiệp ứng dụng

Cho dù hoạt động trong thời đại nào, trong lĩnh vực nào và với quy mô như thế nào, mô hình kinh doanh luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với một doanh nghiệp. Nhờ mô hình kinh doanh, các doanh nghiệp không chỉ xác định rõ mục tiêu kinh doanh mà còn thiết lập các quy trình và hoạt động cụ thể để đạt được những mục tiêu đó.

Một mô hình kinh doanh tốt đòi hỏi sự linh hoạt và khả năng thích ứng với sự thay đổi trong thị trường. Nó phải đáp ứng được nhu cầu của khách hàng và tận dụng các cơ hội mới một cách hiệu quả. Mô hình kinh doanh thành công cũng tạo ra giá trị bền vững cho cả doanh nghiệp và khách hàng, đồng thời tạo ra lợi nhuận và tăng trưởng kéo dài.